Bạn có từng băn khoăn: “Con mình giỏi gì?”, hoặc “Sau này con sẽ phát triển nghề nghiệp dựa trên những thế mạnh gì?”. Đây là những câu hỏi mà nhiều phụ huynh trăn trở.
Cách đây không lâu, một người bạn nhắn tin muốn gặp tôi vì cô nói cô đang rất lo lắng về tương lai của hai cô con gái, một bạn đang học cấp 2 và một bạn học cấp 1. Cả hai đều thuộc top 10 của lớp nhưng mẹ không thấy các con thực sự xuất sắc ở điểm nào. Sự lo lắng thường xuyên và thường trực đến nỗi cô cảm thấy bực bội với chính bản thân và thậm chí đôi lúc trút áp lực lên các con. Cô biết điều đó là không tốt nhưng không biết làm thế nào giải tỏa.
Khi chúng tôi trò chuyện sâu hơn để cùng tìm hiểu về nguồn gốc của những lo lắng ấy, cô bạn tôi lặng đi một lúc khi nói về mối quan hệ giữa cô và bố. Có vẻ như cô đã cố gắng để không bật khóc. Cô kể rằng trong mắt bố cô, cô như thể chẳng có giá trị gì. Cô chưa từng được bố khen lấy một lần. Hồi cô đi học phổ thông, bố cô luôn đem những tấm gương “con nhà người ta” ra so sánh và luôn chỉ ra những nhược điểm của cô. Cô đã từng một thời gian dài luôn sống với cảm giác tự ti.
Cô bạn tôi muốn hai cô con gái của cô sẽ tự tin và thành công hơn mẹ. Nhưng một cách vô thức, cô thường xuyên nói về điểm yếu của chúng. Cô lo sợ rằng nếu cô khen ngợi các con, ghi nhận những gì chúng làm tốt thì chúng sẽ dễ trở nên chủ quan, ngạo mạn.
Trong công việc tham vấn cho học sinh, tôi thường hỏi các em về điểm mạnh. Đa số các em đều lúng túng, có khi ngượng nghịu trả lời: “Con không biết ạ.”
Khi học sinh nói về điểm yếu của bản thân, tôi quan sát thấy sự ưu tư trên gương mặt của các em. Còn khi các em nói về điểm mạnh, đặc biệt khi chia sẻ điểm mạnh mà người khác thấy ở các em, gương mặt các em bừng sáng, những ánh mắt lấp lánh niềm vui.
Tôi hỏi các em: “Khi nghe được những điều người khác nhận xét là điểm mạnh của con hay khi liệt kê được một loạt điểm mạnh của bản thân, con cảm thấy thế nào?” Câu trả lời luôn là: “Con thấy vui ạ”.
Nếu bạn đọc tới đây, tôi muốn mời bạn thử nhắm mắt lại và hồi tưởng một khoảnh khắc khi bạn được ai đó (có thể là bố mẹ/thầy cô/lãnh đạo/đồng nghiệp/đối tác/….) ghi nhận về một điều bạn đã làm tốt. Khi ấy, bạn cảm thấy thế nào? Và ngay bây giờ, tại thời điểm bạn hồi tưởng lại khoảng khắc đó, bạn cảm thấy thế nào?
Bạn cảm thấy vui, tự hào và như được tiếp thêm động lực, có phải vậy không? Tôi cũng vậy.
LỢI ÍCH CỦA VIỆC NUÔI DẠY CON DỰA TRÊN ĐIỂM MẠNH
Trên thực tế, rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các lợi ích của việc tiếp cận dựa trên điểm mạnh. Dưới đây là một số lợi ích nổi bật được chia sẻ trong cuốn sách The strength switch: How the new science of strength-based parenting can help your child and your teen to flourish (tạm dịch là “Bật công tắc điểm mạnh: Khoa học mới về cách nuôi dạy con dựa trên điểm mạnh có thể giúp con bạn phát triển như thế nào”) của tác giả Lea Waters, giáo sư tâm lý học, giám đốc Trung tâm Tâm lý học Tích cực tại Đại học Melbourne, Australia:
- Chuyển cấp từ mầm non lên tiểu học, tiểu học lên trung học dễ dàng hơn
- Thành tích học tập tốt hơn ở THPT và đại học
- Hạnh phúc và gắn bó hơn với công việc sau này
- Sức khỏe thể chất tốt hơn và thói quen lành mạnh hơn
- Tự tin, hài lòng với bản thân và cuộc sống hơn
- Giảm nguy cơ trầm cảm
- Khả năng vượt qua căng thẳng và khó khăn tốt hơn.
Nuôi dạy con dựa trên điểm mạnh không có nghĩa là phớt lờ hay bỏ qua điểm yếu mà mấu chốt nằm ở chỗ chúng ta chuyển đổi sự chú tâm từ điểm yếu sang điểm mạnh của con. Một điều tôi rất tâm đắc về sự chuyển đổi này là sự thay đổi năng lượng và cảm xúc.
“Bạn chú tâm vào đâu thì năng lượng sẽ bắt đầu từ đó.”
Là một người mẹ, tôi hiểu những áp lực mà các ông bố, bà mẹ đều ít nhiều trải qua. Tôi có một cô con gái nhỏ gần 3 tuổi. Nếu so sánh cô bé với các anh, chị, em trong gia đình, cô bé bướng bỉnh và nghịch hơn nhiều. Mỗi lúc suy nghĩ về sự bướng bỉnh và nghịch ngợm của con, tôi cũng không khỏi lo lắng. Nhưng mỗi khi những suy nghĩ lo âu về việc đó xuất hiện, tôi sẽ cố gắng chuyển hướng suy nghĩ rằng cô bé hẳn có những suy nghĩ theo cách riêng, có cá tính mạnh mẽ. Điều đó sẽ giúp con không dễ bị bắt nạt khi ra ngoài xã hội. Còn sự nghịch ngợm thể hiện con đang tò mò, muốn khám phá mọi thứ xung quanh. Biết đâu sự tò mò ấy có thể khiến con quan tâm và sau này có cơ hội phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực khoa học. Sự chuyển hướng tư duy và chú tâm vào điểm mạnh khiến tôi thấy thích thú với việc quan sát sự phát triển của con mỗi ngày và phần nào kìm chế cơn giận dữ mỗi khi con hành động hoặc cư xử không như mình mong muốn. Khi kiểm soát được cảm xúc, chúng ta sẽ hành động có ý thức hơn. Chúng ta thậm chí có thể giúp con dùng điểm mạnh để cải thiện điểm yếu. Trong các chương trình phát triển cá nhân, trong vai trò người đồng hành với các bạn trẻ, tôi đặc biệt thích thảo luận với các bạn nhỏ về việc sử dụng điểm mạnh của bản thân để cải thiện điểm yếu như thế nào.
ĐIỂM MẠNH LÀ GÌ?
Theo cách hiểu thông thường, điểm mạnh là thứ mà chúng ta giỏi. Ví dụ, bạn có thể thấy con bạn học thông minh hoặc có khả năng nấu nướng ngon hoặc chơi thể thao tốt. Nếu chỉ xét trên góc độ năng khiếu và kỹ năng, khi con chúng ta còn nhỏ, chúng ta thường khó chỉ ra đâu là điểm mạnh nếu con không hoặc chưa bộc lộ năng khiếu và chưa có nhiều cơ hội để rèn luyện và phát triển các kỹ năng. Khi tìm hiểu về điểm mạnh, tôi mới biết rằng mỗi cá nhân có rất nhiều điểm mạnh.
Trong nghiên cứu về điểm mạnh, có ba nhánh chính thường được nhắc đến.
- Phẩm chất: tập trung vào các đức tính cốt lõi và phẩm chất tích cực dựa trên nền tảng tâm lý học tích cực do giáo sư Martin Selignman đứng đầu, nhằm giúp cá nhân hiểu rõ điểm mạnh cốt lõi của mình để phát triển trong công việc, học tập và cuộc sống;
- Tài năng thiên bẩm: tập trung vào những năng lực tự nhiên giúp cá nhân làm tốt một công việc hoặc kỹ năng cụ thể, thường áp dụng trong hướng nghiệp, lãnh đạo và quản trị nhân sự.
- Kết hợp phẩm chất và năng lực xã hội: Ứng dụng trong giáo dục và phát triển cá nhân.
Như vậy, điểm mạnh có thể là khả năng, kỹ năng, năng khiếu và cũng có thể là phẩm chất, tính cách.
Tại buổi chia sẻ gần đây về chủ đề “Hiểu về điểm mạnh để giúp thanh thiếu niên phát triển” mà Phòng Tham vấn Nghề nghiệp & Phát triển Cá nhân của T&C Việt Nam tổ chức, tôi đã phát cho các phụ huynh một bảng 24 điểm mạnh phẩm chất và đề nghị các phụ huynh chọn ra 4 điểm mạnh nổi trội của con. Trong khoảng thời gian 5 phút, bài tập đó không hề dễ dàng. Một vài phụ huynh chia sẻ họ cảm thấy khó chọn bởi băn khoăn làm thế nào xác định được điểm mạnh thực sự của con.
Điểm mạnh thực sự là gì? Giới nghiên cứu có thể đưa ra nhiều khái niệm khác nhau về điểm mạnh. Nhưng phần lớn khá thống nhất về quan điểm rằng điểm mạnh thực sự bao gồm đồng thời 3 yếu tố:
- Bạn làm tốt
- Nó mang lại năng lượng cho bạn
- Bạn thể hiện/làm một cách tự nhiên và thường xuyên
Để bạn dễ liên hệ, tôi xin chia sẻ ví dụ của bản thân. Năm 2013, tôi quyết định rời vị trí quản lý dự án và rời khối phát triển sau 10 năm gắn bó với quyết tâm rẽ sang mảng truyền thông trong khối doanh nghiệp. Khi tôi thông báo quyết định nghỉ việc, một vài người bạn và đối tác, có người nhắn tin, gọi điện, có người hẹn gặp trực tiếp để chia sẻ sự tiếc nuối. Tôi đã làm rất tốt vai trò điều phối dự án. Đối tác và đồng nghiệp có thể nhìn thấy khả năng điều phối là điểm mạnh của tôi. Nhưng thú thật, tôi thường có cảm giác ngại và mệt khi phải thuyết phục, đàm phán, ốp các bên để dự án diễn ra suôn sẻ, hiệu quả. Khả năng điều phối không phải là điểm mạnh thực sự của tôi mà chỉ là việc tôi làm tốt. Còn khi tôi viết lách, chia sẻ – như khi đang viết bài này, tôi thấy mình say mê và tôi cảm nhận được nguồn năng lượng chảy trong mình.
Con bạn cũng có thể như vậy – có khi cô bé/cậu bé giỏi Toán hay Sinh học nhưng chỉ thực sự cảm thấy được là chính mình khi được viết lách hoặc giúp đỡ bạn bè.
NHẬN DIỆN & NUÔI DƯỠNG ĐIỂM MẠNH
Việc tìm hiểu về điểm mạnh đã giúp tôi hiểu hơn về bản thân, về quyết định lựa chọn và phát triển nghề nghiệp; giúp tôi hiểu hơn về người thân, về đồng nghiệp và đối tác, khách hàng, thân chủ của mình. Càng tìm hiểu về điểm mạnh và áp dụng trong công việc và cuộc sống, tôi càng thấy chủ đề này thú vị và giá trị.
Nuôi dạy con là một hành trình đầy thử thách nhưng cũng đầy ngọt ngào khi chúng ta được chứng kiến con trưởng thành, tự tin hơn, bản lĩnh hơn, thành công hơn và hạnh phúc hơn khi các điểm mạnh của con được nuôi dưỡng và phát triển.
Bạn hãy thử khám phá điểm mạnh của bản thân và của con qua:
- Trắc nghiệm điểm mạnh theo mô hình phân biệt điểm mạnh đã được nhận diện, điểm mạnh chưa được nhận diện, điểm mạnh học được và điểm yếu tại: https://www.strengthsprofile.com/en-gb/who/individuals
- Trắc nghiệm điểm mạnh phẩm chất: viacharacter.org
Thời gian tới, Phòng Tham vấn Nghề nghiệp & Phát triển Cá nhân của T&C Việt Nam sẽ tổ chức thêm các workshop về áp dụng điểm mạnh trong việc nuôi dạy con, trong hướng nghiệp cho học sinh, trong phát triển sự nghiệp cho người đi làm và trong việc phát triển, kết nối đội ngũ tại các doanh nghiệp, tổ chức. Các anh, chị và các bạn quan tâm tham gia các workshop này, vui lòng đăng ký tại đây: https://forms.gle/ddSwLsagRESrnbWy7
Lê Hằng
Trưởng Phòng Tham vấn Nghề nghiệp & Phát triển Cá nhân
T&C Việt Nam