Dự án “Lựa chọn nghề nghiệp của tôi – Tương lai của tôi”
Điều khoản tham chiếu
Chuyên gia tư vấn về truyền thông và tương tác số
1. Bối cảnh
Khuôn mẫu giới được hiểu là định kiến xã hội về những đặc điểm hoặc khả năng được sở hữu bởi nam giới và nữ giới. Thông thường, những định kiến này gây ra những tổn thất cho nữ giới bởi nữ giới thường được trao những nghĩa vụ trong phạm vi gia đình trong khi nam giới lại đóng vai trò như những trụ cột gia đình. Theo đó, những khuôn mẫu giới hạn chế khả năng theo đuổi hoặc phát triển nghề nghiệp của nữ giới hơn là của nam giới. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng khuôn mẫu giới có mức độ tương quan chặt chẽ với sự lựa chọn các ngành nghề như kỹ thuật, khoa học, công nghệ và toán học (Eagly và Wood 2012; Bowen và Skirbekk 2013). Nghiên cứu sử dụng dữ liệu của 66 quốc gia thực hiện bởi Miller và cộng sự (2005) phát hiện ra rằng: mặc dù nữ giới ở các quốc gia này bị ảnh hưởng bởi khuôn mẫu giới theo hướng không lựa chọn công việc thuộc các ngành kỹ thuật, khoa học hay toán học; nhưng những khuôn mẫu giới có thể được giảm thiểu thông qua việc tiếp xúc với nữ giới thành công trong các lĩnh vực kể trên.
Trên phạm vi toàn cầu, những thách thức đặt ra cho giới trẻ – nhóm đối tượng dễ chịu ảnh hưởng về lựa chọn nghề nghiệp từ cha mẹ, thầy cô và môi trường học tập, trở thành một chủ đề mang tính thời đại và thời sự. Đáng chú ý là những nhóm áp đặt khuôn mẫu giới lại không nhận thức được rằng chính bản thân họ bị ảnh hưởng bởi chính những khuôn mẫu đó do thiếu thông tin. Hệ quả là nữ giới chịu ảnh hưởng nhiều hơn so với nam giới bởi những tổn thất lâu dài về lựa chọn cũng như triển vọng nghề nghiệp. Một nghịch lý phổ biến hiện nay là nữ giới đảm nhận 76,2% khối lượng việc nhà (cao gấp 3,2 lần so với nam giới) trong khi đó thời gian làm việc được trả lương của nam giới chiếm tới 63% trong tổng thời gian lao động được trả lương (ILO 2018). Chính nghịch lý liên quan đến khuôn mẫu giới đã phần nào hạn chế nấc thang nghề nghiệp của nữ giới.
Việt Nam cũng không phải một trường hợp ngoại lệ. Dù đạt được điều thành tựu trong việc thúc đẩy bình đẳng giới trong những năm gần đây, sự phát triển nghề nghiệp của nữ giới vẫn còn thấp hơn đáng kể so với nam giới. Theo kết quả từ báo cáo điều tra lao động việc làm của Tổng cục Thống kê Việt Nam (2017), chỉ 26,1% chủ doanh nghiệp là nữ trong khi đó tỉ lệ nữ giới sẵn sàng nghỉ việc để đảm nhận việc nhà cao hơn so với nam giới. Ví dụ, trong số những người nghỉ việc được trả lương để làm việc nhà thì 95,7% là nữ giới. Trái lại, nam giới lại chiếm tỷ lệ áp đảo trong các ngành thủ công và lắp ráp với tỷ lệ 71% và 57,1%.
Các chương trình và chính sách định hướng nghề nghiệp ở Việt Nam không những không thể chỉ ra khuôn mẫu giới mà còn khiến khuôn mẫu giới tiếp tục tồn tại. Hiệu quả từ chương trình hướng dẫn lồng ghép các khía cạnh về giới trong tư vấn nghề nghiệp còn hạn chế. Bằng chứng cho thấy các học sinh trung học phổ thông ở TP. HCM thiếu nghiêm trọng những kiến thức về khuôn mẫu giới trong xu hướng và định hướng nghề nghiệp (Đại học Quốc gia Hà Nội 2015 ; Nguyễn 2011 ).
Nghiên cứu của Phạm (2013) chỉ ra 4 nhân tố chính ảnh hưởng tới lựa chọn nghề nghiệp của học sinh phổ thông trung học, gồm:
- Các hoạt động hướng nghiệp ở trường phổ thông
- Những áp lực và định hướng từ phía gia đình
- Ảnh hưởng từ bạn học
- Ảnh hưởng từ truyền thông
Trong số những nhân tố kể trên, các hoạt động hướng nghiệp ở trường phổ thông có tầm ảnh hưởng lớn nhất, sau đó là ảnh hưởng từ gia đình, bạn học và truyền thông. Trong thực tế, hoạt động hướng nghiệp ở hầu hết các trường phổ thông ở Việt Nam rất hạn chế. Điều này biểu hiện ở việc không có nhà tư vấn chuyên nghiệp về hướng nghiệp ở những trường này và hiệu trưởng sẽ đóng vai trò như những nhà tư vấn hướng nghiệp.Nghiên cứu của Trần và Cao (2009) phát hiện ra rằng việc cung cấp các thông tin nghề nghiệp cho học sinh, phụ huynh học sinh và giáo viên sẽ giúp học sinh đưa ra quyết định lựa chọn nghề nghiệp tốt hơn.
Về khía cạnh truyền thông, các nghiên cứu được thực hiện bởi OXFAM và Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Nữ giới và Vị thành niên cho thấy sự méo mó trong cách biểu đạt về giới cũng như khuôn mẫu giới xuất hiện trong hầu hết các sản phẩm truyền thông. Theo đó, nam giới được mô tả là những người mạnh mẽ, quyết đoán, tư duy phản biện, thành công hơn trong kinh tế và chính trị cũng như đóng vai trò quan trọng trong quyền lãnh đạo. Trong khi đó, nữ giới được mô tả với những đặc điểm mềm mỏng, có trách nhiệm chăm sóc con trẻ, tham gia nhiều hơn trong việc nhà và công tác xã hội ở những vị trí được trả lương không cao. Hệ quả là, những mô tả thiên kiến đó tạo ra những ảnh hưởng lớn đến quan niệm xã hội về sự phù hợp nghề nghiệp theo giới.
Dự án “Lựa chọn nghề nghiệp của tôi – Tương lai của tôi” sẽ có vai trò thách thức những khuôn mẫu giới trong lựa chọn nghề nghiệp thông qua những người có tầm ảnh hưởng và một chiến dịch truyền thông nhằm tăng nhận thức công chúng về xu hướng nghề nghiệp hiện tại và tương lai, những nhu cầu nhân lực cũng như cơ hội bình đẳng về nghề nghiệp cho cả nam và nữ. Những kết quả tích cực của dự án cộng hưởng lớn tới 1 trong số 4 mục tiêu thay đổi được đề ra trong chiến lược cấp quốc gia giai đoạn 2015-2019 tại Việt Nam của OXFAM. Cụ thể là, các kết quả của dự án sẽ góp phần đạt được mục tiêu đầu tiên trong chiến lược cấp quốc gia tại Việt Nam của OXFAM hướng đến thay đổi thái độ, quan niệm về khuôn mẫu giới. Mặt khác, các kết quả dự án cũng thúc đẩy việc đạt được các mục tiêu khác về quyền của nữ giới.
2. Đơn vị thực hiện dự án
Công ty cổ phần Đào tạo & Truyền thông Việt Nam (T&C Việt Nam) được thành lập theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 3502268359 ngày 17 tháng 11 năm 2014 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cấp. Công ty có trụ sở chính tại số 50 Lê Phụng Hiểu, Phường 8, thành phố Vũng Tàu và đại diện tại Hà Nội.
Với tâm huyết vì một Việt Nam sánh ngang tầm quốc tế, vì một xã hội phát triển trên nền tảng của giá trị, tri thức và kỹ năng, T&C Việt Nam cam kết tạo ra những giá trị thông qua các hoạt động và dịch vụ giáo dục, đào tạo và truyền thông.
Dự án Lựa chọn nghề nghiệp của tôi – Tương lai của tôi được tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật bởi tổ chức Oxfam Việt Nam.
3. Mục tiêu nghiên cứu và sản phẩm dự kiến của dự án
Dự án nhằm thúc đẩy tự do lựa chọn nghề nghiệp cho học sinh trung học phổ thông Việt Nam trong độ tuổi từ 16 đến 18, trong đó chú trọng đến việc giúp các nữ sinh có cơ hội bình đẳng khi tham gia vào lực lượng lao động và có vị thế kinh tế – chính trị tốt hơn trong tương lai.
Trong thời hạn 06 tháng, dự án dự định đạt được các mục tiêu sau:
Nâng cao nhận thức cho hàng ngàn học sinh, phụ huynh, giáo viên và công chúng nói chung về xu hướng việc làm hiện tại và trong tương lai, cũng như nhu cầu về nguồn nhân lực trên cơ sở không bị ảnh hưởng bởi khuôn mẫu giới.
Đầu ra dự kiến
1. Một trang landing page của dự án (trang chủ của website)
2. Một trang fanpage trên Facebook và một kênh YouTube về lựa chọn nghề nghiệp cho học sinh trung học phổ thông, với ít nhất 10 bài viết nổi bật và 10 video clip chất lượng cao về xu hướng công việc hiện tại và tương lai, nhu cầu về nhân lực, các cuộc phỏng vấn và các câu chuyện của những người làm việc trong các lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau – nhằm làm thay đổi thái độ, cách nghĩ về sự phù hợp công việc theo giới
4. Nhiệm vụ của chuyên gia tư vấn
Chuyên gia tư vấn về truyền thông và tương tác số thực hiện các nhiệm vụ sau:
– Xây dựng khung chiến lược truyền thông cho dự án.
– Tư vấn, góp ý cho dự án về các thông điệp truyền thông
– Tư vấn chiến lược để tăng cường tương tác trên nền tảng truyền thông số
– Giới thiệu các công cụ quản lý chiến dịch truyền thông số
5. Tiêu chí lựa chọn:
– Tốt nghiệp đại học một trong các chuyên ngành về báo chí, truyền thông, marketing, công nghệ thông tin (có bằng Thạc sỹ hoặc Tiến sỹ là một lợi thế).
– Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm nghiên cứu, phân tích trong các lĩnh vực liên quan đến truyền thông, đặc biệt là truyền thông số (có kinh nghiệm trong việc thực hiện dự án truyền thông liên quan tới công bằng/bình đẳng giới là một lợi thế)
– Am hiểu thị hiếu xã hội Việt Nam. (đặc biệt là giới trẻ,tầng lớp thanh niên)
– Có khả năng sử dụng ít nhất một ngoại ngữ thông dụng để tra cứu, tham khảo tài liệu nước ngoài.
6. Thời gian & Lịch trình
+ Thời gian làm việc của chuyên gia: 5 ngày làm việc
+ Bàn giao dự thảo Kế hoạch truyền thông: ngày 30 tháng 10 năm 2018
+ Bàn giao Kế hoạch cuối cùng trước ngày 1 tháng 11 năm 2018
7. Ứng tuyển
Các cá nhân quan tâm, vui lòng ứng tuyển qua email tới địa chỉ mycareerchoice.myfuture@gmail.com trước 17:00 giờ ngày 22 tháng 10 năm 2019.
Hồ sơ ứng tuyển bao gồm: 1 CV cá nhân và thư ứng tuyển.
Chỉ những ứng viên vào danh sách ngắn sẽ được liên hệ. Vui lòng không liên hệ qua điện thoại.
[1] MOET (2015), HƯỚNG DẪN LỒNG GHÉP GIỚI TRONG CÔNG TÁC HƯỚNG NGHIỆP, ĐHQG Hà Nội [2] Han, T.T.N (2011), THỰC TRẠNG CÔNG TÁC TƯ VẤN HƯỚNG NGHIỆP Ở MỘT SỐ TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, Tạp chí KHOA HỌC ĐHSP TP HCM [3] Pham Manh, H. (2013). ẢNH HƯỞNG CỦA MỘT SỐ NHÂN TỐ KHÁCH QUAN TỚI HÀNH VI CHỌN NGHỀ CỦA HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG HIỆN NAY. NXB, Hà Nội. [4] Tran Van, Q., & Cao Hao, T. (2009). CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN QUYẾT ĐỊNH CHỌN TRƯỜNG ĐẠI HỌC CỦA HỌC SINH PHỔ THÔNG TRUNG HỌC. Journal Of Science And Technology Development, 12(15), 87-102